Thương mại điện tử đã bắt đầu phát triển và về mặt chiến lược thì ai cũng nhận ra đây là một xu hướng tất yếu, các chủ doanh nghiệp không ai muốn bỏ lỡ chuyến tàu thương mại điện tử và SEO là một kênh không thể thiếu trên con tàu đó. Bởi thế nhiều chủ doanh nghiệp đã không tiếc tiền đổ ra một lượng tiền khá lớn cho việc làm SEO, đổ tiền ra thì dễ nhưng quản lý công việc này như thế nào thì đa phần đều lúng túng. Vấn đề nằm ở chỗ SEO là loại hình công việc quá mới mẻ nên xã hội chưa đủ thời gian để có những chuẩn mực đánh giá.
Ở một khía cạnh nào đó làm SEO giống như xây dựng một ngôi nhà, một thứ sẽ tác động đến việc kinh doanh của bạn trong thời gian dài, tiêu tốn khá nhiều tiền mà bạn lại chẳng hiểu gì về nó.
Vậy làm thế nào để bạn quản trị một dự án SEO trong khi chẳng biết gì về nó? Chúng ta hãy học tập cách thức mà người ta quản lý trong ngành xây dựng, một nghề mà qua hàng nghìn năm đã đúc kết được những phương pháp quản lý tinh hoa.
1. Thuê kiến trúc sư thiết kế nhà- Thuê SEMer lập kế hoạch SEO
Một ngôi nhà nếu không có một thiết kế trước khi xây sẽ trở nên chắp vá và lộn xộn, trong nhiều trường hợp nghiêm trọng thì thậm chí chủ nhả phải đập đi xây lại. Trong ngành công nghiệp SEO thì bản kế hoạch Keywords – Landing page có thể ví như bản vẽ thiết kế ngôi nhà. Bản kế hoạch đòi hỏi phải bao quát được những nhu cầu truyền tải thông tin của chủ doanh nghiệp đến các đối tượng của mình, đồng thời kế hoạch này cũng phải đảm bảo tính khả thi với nguồn lực tài chính và con người của doanh nghiệp.
Bạn có thể thuê ai để lập kế hoạch?
Hiện nay khi có nhu cầu SEO cho một website cách chủ doanh nghiệp thường làm là tìm một công ty dịch vụ SEO sau khi nghe nhân viên kinh doanh chém gió thì chủ DN sẽ chọn vài từ khóa và chốt hợp đồng dịch vụ SEO. Cách làm này giống y như cách khi muốn xây nhà bạn tìm đến một nhóm thợ và nghe mấy ông thợ kể về kinh nghiệm xây dựng những ngôi nhà trước rồi cứ thế làm nhà mình cho giống những cái trước đó.
Kinh nghiệm của các công ty dịch vụ SEO là một yếu tố rất quan trọng nhưng họ chỉ nhìn vấn đề mang tính chất kỹ thuật, còn một bản kế hoạch SEO thì phải bao quát được tổng thể những vấn đề mà bạn muốn truyền tải đến công chúng của mình. Người thích hợp nhất cho giai đoạn lập kế hoạch này nên là những người quản trị dự án Adwords, mặc dù bản kế hoạch SEO có khác đôi chút so với kế hoạch chạy Adwords nhưng về cơ bản tư duy của những người quản trị Adwords sẽ gần gũi hơn với nhu cầu của doanh nghiệp.
Thuê tư vấn có lẽ là một khái niệm không có trong đầu của các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thứ nhất là do thói quen của người Việt Nam luôn coi tư vấn là miễn phí và thường thích nghe người thân quen hơn là người có chuyên môn. Thứ hai có lẽ là do lo ngại về chi phí cho những chuyên gia quá lớn. Thực tế thì doanh nghiệp nhỏ thì khối lượng thiết kế sẽ nhỏ, giả sử công việc lập kế hoạch cho bạn diễn ra trong 2 ngày thì với mức chi trả 4 triệu đồng là một con số đủ hấp dẫn cho một công việc làm thêm trong 2 ngày đối với những nhân sự cao cấp trong những công ty Online lớn mạnh như Vật giá, Lazada, VC Corp … Khi bạn tôn trọng tri thức và trả xứng đáng cho những công việc chất xám thì sẽ có nhiều người sẵn sàng xây dựng cho bạn một kế hoạch bằng cả tâm huyết của họ.
2. Thuê thợ xây nhà – Thuê công ty dịch vụ SEO
Có một bản vẽ thiết kế tốt rồi thì vẫn phải có ai đó thực hiện và công ty dịch vụ SEO chính là người đóng vai trò này. Với kinh nghiệm làm nhiều dự án khác nhau thì các công ty SEO dịch vụ sẽ làm rất tốt công việc đưa từ khóa lên top nếu như bạn chỉ ra cho họ là phải SEO từ nào. Nếu ngân sách cho SEO của công ty bạn lớn thì có thể tuyển dụng một team SEO riêng nhưng nếu ngân sách <10tr/tháng thì thuê dịch vụ SEO là giải pháp tốt hơn bởi những lý do sau:
- Khi bạn không có chuyên môn về SEO thì bạn không thể tuyển được NV SEO giỏi
- Công ty SEO thường có một team vài người nên có cơ hội học hỏi của NV SEO tốt hơn do đó họ thường giỏi hơn so với 1 nhân viên In-house của bạn
- Các công ty SEO thường chuẩn bị cho mình nguồn tài nguyên link nên chi phí xây dựng link của họ rẻ hơn so với nhân viên SEO làm
Quản lý công việc của các công ty SEO như thế nào?
Cách làm phổ biến hiện nay là quản lý theo thời gian lên top, ví dụ như: 3 tháng lên từ “Thời trang công sở”, 6 tháng lên từ “Du lịch Việt Nam”,… đây có lẽ là cách mà người ta dễ nghĩ ra nhất vì ngoài cách này ra thì chắc là khó có KPI nào khác đo lường chất lượng công việc của công ty dịch vụ SEO. Tuy nhiên phương pháp này lại có rất nhiều nhược điểm:
- Khó kiểm soát lên xuống của từ khóa: Google là một cỗ máy phức tạp và không ai đủ khả năng để “Gia cát dự” khi nào thì từ khóa lên, vì nếu ai đó có khả năng dự đoán chính xác thì chắc Google đã phá sản rồi :D, vì vậy thường là khi thương thuyết hợp đồng Sales của công ty DV SEO sẽ đưa ra thời hạn này dựa trên ý của chủ doanh nghiệp. Cách nghĩ của họ rất đơn giản: nếu làm lên được đúng thời hạn thì có tiền, không làm được thì kệ mất quái gì. Nếu từ khóa không lên thì doanh nghiệp cũng đâu mất tiền? đừng nhầm! cái bạn mất chính là chi phí cơ hội, trong 3-6 tháng khi mà công ty SEO của bạn không làm gì thì đối thủ của bạn đã vượt xa, và bạn đã trao cơ hội vào tay đối thủ.
- Không kiểm soát được độ an toàn: Với cách quản lý hiện nay bạn chỉ biết từ khóa có lên top hay không còn nó có an toàn với những đợt cập nhật thuật toán hay không thì bạn hoàn toàn mù tịt
- Không đánh giá được ai là người làm việc tốt: Google nhiều khi khá đỏng đảnh, có từ khóa tưởng khó thì làm 1 tháng đã lên nhưng có những từ tưởng dễ mà 4-5 tháng chưa lên. Độ trễ này nhiều khi gây ra những tình huống dỡ khóc dở cười, một công ty SEO A rất uy tín sau 4 tháng nỗ lực làm SEO cho một khách hàng mà từ khóa không lên, khách hàng này quyết định hủy hợp đồng với công ty A và thuê công ty B, công ty B là một công ty cơ hội và họ chả làm SEO gì cả nhưng lúc họ làm thì lại vào đúng điểm rơi của công ty A và vậy là họ được đánh giá là công ty uy tín hơn.
Quản lý dự án SEO theo quá trình
Đây là phương pháp quản lý mà nước ngoài đã áp dụng từ rất lâu thay thế cho phương pháp quản lý theo “thời gian lên top” nhưng ở Việt Nam hiện nay ít doanh nghiệp áp dụng phương pháp này. Có lẽ rào cản lớn nhất của phương pháp này là cần phải có người có hiểu biết về SEO giám sát, giống với việc bạn thuê tư vấn giám sát trong xây dựng
Cách quản lý này cơ bản như sau:
– Giám sát onpage: Giám sát xem việc Onpage có bám sát bản kế hoạch Keywords-Landing page hay không
– Giám sát xây dựng link: Khi xây dựng link NV SEO sẽ ghi lại nhật ký từng link và một vài đặc tính cơ bản, người giám sát sẽ đánh giá giá trị link trên các mặt: Độ trust, độ liên quan, độ an toàn, tốc độ đặt link …
– Giám sát xây dựng link: Khi xây dựng link NV SEO sẽ ghi lại nhật ký từng link và một vài đặc tính cơ bản, người giám sát sẽ đánh giá giá trị link trên các mặt: Độ trust, độ liên quan, độ an toàn, tốc độ đặt link …
3. Thuê giám sát thi công – Thuê SEO Audit
Như đã nói ở mục 2 cách quản lý SEO theo quá trình hiện đại hơn và giải quyết được những nhược điểm của phương pháp truyền thống, tuy nhiên điều khó khăn nhất để thực hiện được phương án này là phải có người giám sát. Nghề SEO audit (Kiểm toán SEO) đã phát triển rất mạnh trên thế giới và ở Việt Nam một chuyên gia SEO kỳ cựu Du Nguyễn đã rất nỗ lực đưa nghề này vào thị trường SEO Việt Nam nhưng sau 3 năm thì không thấy anh nói gì về nghề này nữa. Chắc do Việt Nam chúng ta quá giỏi nên khỏi cần Audit
Cần phải hiểu đúng mục tiêu của của SEO audit
Khi bạn nói chuyện với trưởng nhóm SEO: Anh thuê kiểm toán, thì trong đầu anh ta sẽ hiểu là bạn đáng muốn thịt đội SEO hoặc là ông này bới lông tìm vết đây. Hãy giải thích cho anh ta hiểu là Kiểm toán không phải là sự moi móc và hạ thấp uy tín và danh dự của SEOer. Bản thân con người không bao giờ là hoàn thiện và nếu một ai đó chỉ ra những vấn đề của bạn thì nên cảm ơn anh ấy. Audit không phải là quá trình đấu đá và tranh cãi ai giỏi hơn ai, nó chỉ đơn thuần là một quy trình nhìn lại đánh giá, đưa ra giải pháp giúp cho dự án SEO phát triển tốt hơn.
Dù công ty bạn có team SEO riêng hay đi thuê ngoài thì cũng nên Audit
Ai có thể làm SEO Audit?
- Để làm Audit (Kiểm toán) được thì đầu tiên cần yếu tố kinh nghiệm, phải là những SEOer lâu năm lăn lộn với nhiều dự án mới hiểu được những vấn đề mà một dự án SEO thường gặp phải và đánh giá được đúng mức những rủi ro và chất lượng từng phương pháp SEO mang lại
- Yếu tố thứ 2 cần phải có là một thái độ khách quan: Một thói xấu của SEOer xưa nay là chẳng ông nào chịu ông nào, ai cũng coi mình là người giỏi nhất nên những cuộc tranh luận về chuyên môn thường mang tính chém gió, ngụy biện bảo vệ danh dự cá nhân hơn là tranh luận để tìm ra những điều đúng đắn. Chỉ những ai vượt qua được thói xấu trẻ trâu này thì mới làm được nghề SEO audit.
Trong những SEOer mà tôi quen biết thì có lẽ có 2 người có hội tụ đủ những phẩm chất này: Nam có Du Nguyễn, Bắc có Đăng Trần (Các bác cao thủ SEO khác đừng ném đá, còn nhiều người giỏi nữa nhưng viết cho nó giống truyện trưởng xíu “Bắc Kiều Phong – Nam Mộ Dung” ).
Nếu doanh nghiệp nhận thức đúng và sử dụng nhiều dịch vụ này thì tôi tin rằng một ngày không xa SEO industry (not SEO biz) của Việt Nam sẽ có thêm nhiều những nhân tài SEO Audit mới xuất hiện và ngành SEO của chúng ta sẽ ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn.
Tác giả: Chu Đình Châu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét